Những điểm mới nổi bật của Luật chăn nuôi 2018

Tại kỳ họp thứ 6 ngày 19 tháng 11 năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật chăn nuôi 2018. Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý Nhà nước về chăn nuôi. Sau đây, công ty LAVN sẽ phân tích những điểm nổi bật của Luật chăn nuôi 2018 so với Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004.

  1. Những hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi

Luật chăn nuôi 2018 quy định 14 hành vi, nhiều hơn so với 7 hành vi của Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004. Nổi bật là ở các hành vi sau:

  • Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
  • Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.
  • Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.
  • Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi

2. Quy định về việc chăn nuôi động vật khác và đối xử nhân đạo đối với động vật nuôi

 Điểm nổi bật mới trong luật chăn nuôi 2018 đã quy định thêm một chương mới về chăn nuôi động vật khác và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Lần đầu tiên, Luật đưa vào các quy định về quản lý nhà nước đối với các vật nuôi như: chim yến, ong mật, chó, mèo, hươu sao,…đồng thời đặt ra các yêu cầu về kiểm soát mật độ, dịch bệnh, kiểm soát môi trường, cân bằng sinh thái xuất phát từ thực tiễn mức độ phổ biến cũng như vai trò quan trọng của những vật nuôi này.

 Ngoài ra, Luật còn quy định về các yêu cầu đối xử nhân đạo đối với động vật nuôi như:

  • Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi;
  • Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện vận chuyển phù hợp, bảo đảm không gian thoáng mát, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống trên đường vận chuyển;
  • Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh, cung cấp đủ nước uống phù hợp cho vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ; Có hồ sơ về xuất xứ của vật nuôi bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của vật nuôi đưa vào giết mổ

3. Tổ chức, cá nhân phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND xã

Quy định này được đưa vào quy định trong Luật nhằm kiểm soát được quy mô chăn nuôi và có quy hoạch cụ thể từng vùng. Theo đó, nghĩa vụ kê khai với UBND được đặt ra cụ thể với:

  • Tổ chức, cá nhân sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải kê khai đực giống (điểm a khoản 3 Điều 23);
  • Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 25);
  • Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 57).

4. Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép

Luật Chăn nuôi 2018 quy định chính sách của Nhà nước về chăn nuôi. Điều 4 của Luật quy định, sẽ sớm di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Ngoài ra, khoản 1 Điều 12 còn cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

Sẽ sớm di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép

5. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

Đây là nội dung mới theo quy định tại Điều 11 Luật Chăn nuôi 2018. Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu nguồn gen vật nuôi, là một nội dung nhỏ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm:

  • Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi;
  • Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
  • Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi;
  • Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;
  • Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi.

Tác giả: Thái Thành Lộc

[contact-form-7 id="315" title="Contact post"]